Hệ thống chữa cháy khí là gì?
Hệ thống chữa cháy khí là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả việc sử dụng khí trơ và các tác nhân hóa học để dập tắt đám cháy. Theo tiêu chuẩn NFPA 2001 về hệ thống chữa cháy khí sạch, thuật ngữ khí chữa cháy sạch có nghĩa là chất chữa cháy không dẫn điện, dễ bay hơi hoặc khí không để lại dư lượng bay hơi.
Ưu Điểm Của Hệ Thống Chữa Cháy Khí
Hệ thống chữa cháy khí ngày càng được sử dụng phổ biến hơn so với hệ thống chữa cháy nước vì nhiều ưu điểm tuyệt vời mà nó mang lại như không gây hại cho môi trường, an toàn với con người, khả năng chữa cháy nhanh chóng và không để lại cặn sau chữa cháy.
Thân Thiện Với Môi Trường
Một trong những lợi ích mà các hệ thống chữa cháy khí là chúng không làm suy giảm tầng ozone, có thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn và không gây hại cho môi trường dưới bất kỳ hình thức nào.
Các chất chữa cháy khí thường được bảo quản trong bình chứa dưới dạng chất lỏng, khi được xả ra để chữa cháy nó sẽ chuyển thành dạng khí và trở lại bầu khí quyển ở trạng thái tự nhiên.
Giải Pháp PCCC An Toàn Với Người
Các chất khí chữa cháy được sử dụng trong hệ thống chữa cháy hầu hết đều an toàn với con người và cả động vật. Một số hệ thống an toàn tới mức con người có thể hoạt động trong khu vực đang được chữa cháy.
Khả Năng Chữa Cháy Nhanh Chóng
Các hệ thống chữa cháy khí được thiết kế và sản xuất để có thể dập tắt đám cháy trong vòng 10 giây bằng cách cắt nguồn cung cấp oxy cho đám cháy, giảm nhiệt, cô lập nhiên liệu hoặc ức chế phản ứng của sự cháy.
Chúng có khả năng ngăn chặn đám cháy một cách nhanh chóng và cũng giảm thiểu lượng bồ hóng sau đám cháy.
Không Để Lại Cặn Sau Chữa Cháy
Các chất lỏng hoặc chất khí được sử dụng trong hệ thống chữa cháy khí được xả ra nhanh chóng từ các bình chứa khí. Ngay khi được xả ra môi trường, chúng sẽ bay hơi ngay lập tức khi đám cháy được dập tắt mà không để lại bất kỳ chất cặn nào. Không giống như các hệ thống chữa cháy ướt, chúng ta không cần phải dành thời gian để làm sạch cặn.
Với sự an toàn tuyệt đối, không để lại chất cặn, thân thiện với môi trường và vật dụng, hệ thống chữa cháy khí là lựa chọn lý tưởng cho các công ty CNTT, trung tâm dữ liệu, bệnh viện, bảo tàng, phòng thí nghiệm, nhà máy sản xuất và các cơ sở khác liên quan tài liệu, phần cứng,…
Nguyên tắc hoạt động của hệ thống chữa cháy khí
Hệ thống chữa cháy khí hoạt động theo 2 nguyên tắc cơ bản bao gồm nguyên tắc tràn ngập và nguyên tắc cục bộ.
Hệ Thống Chữa Cháy Khí Tràn Ngập
Các hệ thống chữa cháy khí hoạt động theo nguyên tắc tràn ngập sẽ đưa một tác nhân dập tắt đám cháy vào không gian kín để đạt được nồng độ như yêu cầu (phần trăm thể tích của tác nhân trong không khí) đủ để dập tắt đám cháy. Các loại hệ thống này có thể làm việc tự động bằng cách phát hiện đám cháy và kích hoạt các thiết bị liên quan hoặc làm việc bằng tay.
Hệ Thống Chữa Cháy Khí Cục Bộ
Các hệ thống chữa cháy khí hoạt động theo nguyên tắc ứng dụng cục bộ phun trực tiếp chất chữa cháy vào đám cháy để ngay lập tức bao quanh chất hoặc vật thể đang bốc cháy. Sự khác biệt chính trong ứng dụng cục bộ và hệ thống ứng dụng tràn ngập là trong ứng dụng chữa cháy cục bộ không có hàng rào vật lý bao quanh không gian cháy.
4 Phương Pháp Dập Tắt Đám Cháy Bằng Hệ Thống Chữa Cháy Khí
Để ngăn chặn sự cháy, một trong 3 yếu tố của tam giác lửa phải được loại bỏ.
Giảm Hoặc Cô Lập Nhiên Liệu
Không có nhiên liệu, một đám cháy chắc chắn sẽ dừng lại. Nhiên liệu có thể được loại bỏ một cách tự nhiên, bằng tay, bằng cơ học hoặc hóa học. Ngọn lửa sẽ được dập tắt khi nồng độ hơi nhiên liệu trong ngọn lửa thấp, dẫn đến hiện tượng giải phóng năng lượng được giảm bớt và nhiệt độ sẽ giảm xuống. Loại bỏ nhiên liệu do đó sẽ làm giảm nhiệt.
Giảm Nhiệt
Không có đủ nhiệt, một đám cháy không thể bắt đầu và nó cũng không thể tiếp tục. Nhiệt có thể được loại bỏ bằng cách sử dụng một chất làm giảm lượng nhiệt có sẵn cho phản ứng cháy. Đó có thể là nước, khí, bọt Foam,…
Giảm Hoặc Cô Lập Oxy
Không có đủ oxy, một đám cháy không thể bắt đầu cũng như tiếp tục. Khi nồng độ oxy giảm, quá trình đốt cháy sẽ dần chậm lại và được dập tắt. Oxy trong đám cháy có thể được loại bỏ bằng cách sử dụng khí chữa cháy (Nitơ, CO2), nếu là đám cháy nhỏ thì có thể sử dụng chăn cứu hỏa, nếu đám cháy không liên quan đến điện, các chất lỏng dễ cháy (nhẹ hơn nước) thì có thể chữa cháy bằng nước.
Ức Chế Phản Ứng Của Sự Cháy
Như đã nói, cháy xuất hiện là do có sự tồn tại đồng thời của 3 yếu tố: nhiên liệu, nhiệt và oxy. Những nguyên tố căn bản thuộc phản ứng dây chuyền của sự cháy có gốc hóa học là (O- oxygen, H- hydrogen, và OH- hydroxide ion).
Khi chất chữa cháy tác động và phản ứng với các gốc hóa học này, chuỗi phản ứng hóa học của sự cháy sẽ bị phá vỡ, qua đó dập tắt đám cháy một cách hiệu quả mà không ảnh hưởng đến nồng độ oxy trong môi trường.