Tháng 10/2021, toàn quốc xảy ra 292 vụ cháy và sự cố cháy (trong đó 145 vụ cháy theo quy định thống kê và 147 vụ sự cố chập cháy trên cột điện, thiết bị điện trong nhà dân, cháy cỏ, rác) làm chết 02 người, bị thương 05 người, thiệt hại về tài sản ước tính 11,57 tỷ đồng và 38,19 ha rừng. Không xảy ra vụ nổ.

So với tháng 9/2021, số vụ cháy giảm 15 vụ (-9,37%, 145/160); số người chết giảm 04 người (-66,67%, 02/06); số người bị thương tăng 02 người (+66,67%, 05/03); thiệt hại về tài sản tăng 2,61 tỷ đồng (+29,13%, 11,57/8,96); số vụ sự cố tăng 12 vụ (+8,89%, 147/135 vụ). Số vụ nổ giảm 02 vụ (0/02 vụ), giảm 02 người chết (0/02 người), giảm 03 người bị thương (0/03 người).

So với cùng kỳ năm 2020: Số vụ cháy giảm 19 vụ (-11,59%, 145/164 vụ), giảm 06 người chết (-75%, 02/08 người), giảm 05 người bị thương (-50%, 05/10 người), thiệt hại về tài sản giảm 34,37 tỷ đồng (-74,8%, 11,57/45,94 tỷ đồng).
Về địa bàn xảy ra cháy: Thành thị xảy ra 77 vụ (chiếm 53,1%); nông thôn xảy ra 68 vụ (chiếm 46,9%).

1. Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy 

Đã điều tra làm rõ nguyên nhân 39/145 vụ (chiếm 26,8%), trong đó: Do sự cố hệ thống, thiết bị điện 27 vụ (chiếm 18,6%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 10 vụ (chiếm 6,8%); do vi phạm quy định an toàn PCCC 01 vụ (chiếm 0,6%); do nguyên nhân khác 01 vụ (chiếm 0,6%). Đang tiếp tục điều tra 106/145 vụ (chiếm 73,2%). Về nguyên nhân xảy ra các vụ sự cố chủ yếu do sự cố thiết bị điện, sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và do đốt cỏ, rác.

Tình hình cháy vẫn tập trung trong khu dân cư (51/145 vụ), tiếp đến là trong khu vực cơ sở sản xuất, kho tàng (27/145 vụ). Trong tháng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH xuất 569 lượt phương tiện, 3.542 lượt CBCS trực tiếp tổ chức chữa cháy 163/292 vụ cháy và sự cố cháy (chiếm 55,82%); xuất 191 lượt phương tiện, 1.341 lượt CBCS trực tiếp tham gia 100 vụ CNCH, tổ chức cứu được 19 người, tìm kiếm được 68 thi thể, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. Số vụ cháy và sự cố cháy do lực lượng tại chỗ dập tắt là 129/292 vụ (chiếm 44,48%).

Tháng 10/2021, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, tổ chức kiểm tra an toàn PCCC 36.397 lượt cơ sở; lập 36.397 biên bản kiểm tra; phát hiện 6.413 tồn tại, thiếu sót và kiến nghị khắc phục; xử phạt vi phạm hành chính 252 trường hợp với số tiền phạt là 470,5 triệu đồng; tạm đình chỉ 23 trường hợp và đình chỉ hoạt động 16 trường hợp. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý nhà nước về PCCC và CNCH bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19; tiếp tục tổ chức thực hiện triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng; tập trung công tác điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ xảy ra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực PCCC. Tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác thường trực, ứng trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định. Tổ chức tập huấn, triển khai đồng bộ nội dung chuyển đổi số trong công tác PCCC và CNCH (App báo cháy 114) cho 63 địa phương. Tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và 20 năm Ngày toàn dân PCCC.

2. Biện pháp để đảm bảo an toàn PCCC

Tại các địa phương, sau khi hết giãn cách xã hội do dịch Covid 19, các hoạt động dần trở lại trạng thái bình thường, các đơn vị, doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Để bảo đảm an toàn PCCC, hạn chế các vụ cháy nổ, sự cố, tai nạn xảy ra và an toàn mùa mưa lũ, Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo:

- Mỗi cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy định và bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC: tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên, người lao động chấp hành nội qui, quy định về PCCC; chú trọng công tác tự kiểm tra, kịp thời khắc phục những thiếu sót có thể phát sinh cháy, nổ. Các hộ gia đình thường xuyên kiểm tra và sử dụng an toàn hệ thống điện, thiết bị điện; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt chuẩn bị lối thoát nạn thứ 2, thứ 3 đề phòng cháy nổ xảy ra.

- Trong mưa, lũ người dân không đi lại khi không cần thiết; không vớt củi, đồ vật trôi trên sông; không đánh bắt cá, thăm ruộng khi đang có lũ; không đi vào khu vực nguy hiểm, khu vực có biển cảnh báo; không lội qua suối khi có dòng chảy xiết; không để trẻ em chơi gần kênh, mương, sông, suối.