1. Lý do khiến hệ thống PCCC hoạt động không hiệu quả

Việc một số hệ thống phòng cháy chữa cháy tại nhiều công trình không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả một phần là do quá trình thiết kế, thi công hệ thống PCCC không đạt yêu cầu. Điển hình có một số sai phạm dưới đây thường là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém hiệu quả của hệ thống PCCC.

  • Nhiều công trình chỉ lắp đặt hệ thống phòng cháy nhằm mục đích để đối phó với cơ quan chức năng chứ không quan tâm đến lợi ích sử dụng của hệ thống, chính những sai phạm này đã gây ra nhiều thiệt hại khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra

  • Do các sai phạm kỹ thuật ngay từ bước đầu, dẫn đến việc hệ thống báo cháy thường xuyên bị lỗi, bộ phận quản lý cắt nguồn để không bị phiền nhiễu. Đến khi xảy ra cháy thật sự thì hệ thống báo cháy không thể cảnh báo sớm cho bộ phận quản lý. 

  • Hệ thống chữa cháy không được duy tu, bảo trì thường xuyên.

  • Hệ thống bơm và thiết bị chữa cháy bị hư hỏng nhưng không được kiểm tra, sửa chữa, thay thế kịp thời. Đến khi có sự cố không thể sử dụng được. Hậu quả là từ đám cháy nhỏ sẽ thành đám cháy lớn (do hệ thống PCCC đã bị tê liệt) và càng thảm khốc nếu phương án thoát nạn (nhất là các chung cư cao tầng) không được đầu tư đúng mức. Lối thoát nạn an toàn (cầu thang bộ chống nhiễm khói) không còn sử dụng để thoát nạn được.

  • Có không ít cơ sở cung cấp, lắp đặt hệ thống PCCC, đã bằng mọi cách giảm giá thành nhằm trúng thầu thi công, chủ yếu lựa chọn thiết bị không phù hợp với quy mô công trình, vật tư thi công không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Mặt khác, do đa số chủ đầu tư ít am hiểu về thiết bị của hệ thống PCCC, nên ưu tiên lựa chọn về giá thay vì chất lượng công trình. 

2. 

Để giúp chủ đầu tư các công trình và doanh nghiệp tư vấn thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống PCCC thực hiện nghiêm túc Luật PCCC và đảm bảo an toàn về PCCC đối với các công trình, trong suốt quá trình xây dựng cho đến khi nghiệm thu đưa vào sử dụng, Cảnh sát PCCC tư vấn:

1. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống PCCC phải có đủ năng lực và tư cách pháp nhân theo quy định. Phải có đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên ngành, nhiều kinh nghiệm, đủ trình độ năng lực tư vấn thiết kế và thi công phòng cháy. Đồng thời, phải nắm vững và cập nhật kịp thời các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước Việt Nam và vận dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của nước ngoài có liên quan đến công tác PCCC.

2. Đối với các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn quản lý dự án, giám sát thi công, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng và thi công lắp đặt hệ thống PCCC phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, cụ thể:

+ Trách nhiệm của chủ đầu tư: Trình hồ sơ thẩm duyệt thiết kế PCCC cho cơ quan cảnh sát PCCC địa phương. Tổ chức kiểm tra, giám sát thi công theo đúng thiết kế về PCCC đã được phê duyệt. Trường hợp trong quá trình thi công nếu có sự thay đổi về thiết kế và thiết bị PCCC thì phải giải trình hoặc thiết kế bổ sung và phải được thẩm định, phê duyệt lại. Tổ chức nghiệm thu về PCCC đúng quy định và phải có văn bản chấp thuận nghiệm thu của cơ quan PCCC địa phương, trước khi đưa vào hoạt động.

+ Trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế: Thiết kế bảo đảm các yêu cầu về PCCC; chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thiết kế trong suốt thời gian xây dựng và sử dụng công trình. Thực hiện giám sát tác giả trong quá trình thi công và xây lắp công trình. Tham gia nghiệm thu về PCCC.

+ Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng: Thi công theo đúng thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt. Phương tiện, hệ thống PCCC lắp đặt tại công trình phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được cơ quan chuyên môn kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC đúng quy định hiện hành của pháp luật. Lập hồ sơ hoàn công, chuẩn bị các tài liệu và điều kiện để phục vụ công tác nghiệm thu và tham gia nghiệm thu công trình.

+ Trách nhiệm của đơn vị tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công: Thay mặt chủ đầu tư kiểm tra, giám sát công tác thi công của nhà thầu. Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư trong việc thực hiện các nội dung về PCCC theo cam kết trong hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công.

3. Trong suốt quá trình thi công cho đến khi nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị thi công hệ thống PCCC phải thường xuyên chú trọng công tác an toàn lao động và đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại công trình. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện cần thiết khác để khi có cháy xảy ra chữa cháy kịp thời và có hiệu quả.