Đề phòng hỏa hoạn – Điểm khởi đầu của đảm bảo an toàn cháy nổ
Để đảm bảo cho hoạt động phòng cháy chữa cháy có tính tập trung và chuyên môn hóa cao, Luật Phòng cháy chữa cháy tại Nhật ra đời bao trùm một loạt vấn đề, từ các biện pháp an toàn phòng cháy như quy định vật liệu xây dựng, diện tích các công trình xây dựng, đến việc bổ nhiệm nhân sự chịu trách nhiệm phòng cháy, các quy định hoạt động của lực lượng phòng cháy chữa cháy, trang thiết bị, cảnh báo… nhằm đảm bảo cho cơ cấu, hệ thống phòng cháy chữa cháy của Nhật Bản vận hành hiệu quả và thông suốt.
Luật phòng cháy chữa cháy của Nhật Bản quy định các khu chung cư phải có hệ thống đường ống nước chuyên dụng chỉ dành cho hoạt động cứu hỏa, bảng cung cấp các chỉ số hiện trạng, hệ thống tự động báo động và chuyển thông tin cho trung tâm chỉ huy.
Hệ thống chữa cháy của hộ gia đình tại Nhật
Đối với các chung cư cao tầng, được xác định là từ tầng 11 trở lên và cao trên 31m, sẽ có thêm các quy định đặc biệt. Một trong số các quy định đó là các căn hộ từ tầng 11 trở lên phải được trang bị hệ thống vòi phun mưa trên trần để hỗ trợ công việc dập lửa do thang cứu hỏa chỉ vươn đến độ cao tối đa là 30m.
Ngoài ra, các chung cư này phải đáp ứng quy định có một sảnh thang máy biệt lập để trong trường hợp hỏa hoạn toàn bộ thang máy sẽ tự động di chuyển xuống tầng 1 và ngừng hoạt động tại đó, có hơn hai lối thoát khẩn cấp, hạn chế sử dụng vật liệu không bắt lửa cho thiết kế nội thất từ tầng 11 trở lên, đặt bình cứu hỏa tại hành lang chung theo mật độ quy định…
Chung cư phải có tường chống cháy, cửa chống cháy tại mỗi khu vực rộng từ 100 đến 500m2. Các điều khoản này được bổ sung vào năm 1974, sau vụ hỏa hoạn năm 1972 tại Khu thương mại Sennichi ở Osaka làm 118 người thiệt mạng.
Các chung cư hoặc công trình xây dựng vượt quá quy định về diện tích và chiều cao bắt buộc phải bố trí một chỉ huy ứng phó thảm họa của tòa nhà đó, lập đội chữa cháy riêng của tòa nhà.
Sự chuyên nghiệp và tinh thần cộng đồng
Cùng với việc chú trọng thực hiện các biện pháp đề phòng, Nhật Bản đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm hoạt động chữa cháy và cứu hộ hoạt động hiệu quả để giảm thiểu mức độ thiệt hại khi xảy ra hỏa hoạn.
Đề xuất xây dựng ngành phòng cháy chữa cháy độc lập với lực lượng cảnh sát được coi là điểm khởi đầu của ngành phòng cháy chữa cháy và phòng chống thảm họa của Nhật Bản ngày nay.
Các chế tài, giải pháp phù hợp và lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, hiệu quả là điều mà Nhật Bản đang thực hiện để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra hỏa hoạn và thiệt hại do hỏa hoạn. Tuy nhiên, không chỉ là là nhiệm vụ của Nhà nước, của lực lượng phòng cháy chữa cháy, Nhật Bản rất chú trọng đến việc nâng cao ý thức của toàn xã hội. Mỗi doanh nghiệp, mỗi cư dân đều cần coi trọng vấn đề an toàn cháy nổ, đây chính là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng môi trường sống an toàn cho chính mình và cho cộng đồng.
Các sở và trạm là nơi tập hợp những đội cứu hỏa, cứu hộ
Lực lượng phòng cháy chữa cháy và đối phó thảm họa của Nhật Bản hiện tại có tổng cộng khoảng 164.000 người với 732 trạm cứu hỏa trên toàn quốc. Các trạm cứu hỏa cùng các thiết bị như vòi rồng, xe cứu hỏa lớn có trang bị thang cứu hộ cùng nhiều thiết bị khác được phân bổ căn cứ theo số dân, quy mô tòa nhà và thực trạng địa hình.
Cơ cấu của một đội cứu hỏa Nhật Bản gồm có hai nhóm. Nhóm chỉ huy là đội có đồng phục màu vàng, có nhiệm vụ phân tích tình hình đưa ra các chỉ thị kịp thời để ứng phó với tình hình tại hiện trường, Đội trưởng đội cứu hỏa cũng là chỉ huy của nhóm. Nhóm thứ hai là nhóm tác chiến, đồng phục màu cam. Đây là nhóm trực tiếp thực hiện các mệnh lệnh do nhóm chỉ huy đưa ra.
Do thang trên xe cứu hỏa chỉ có vươn đến độ cao tối đa là 30m, nên các tòa nhà có độ cao hơn 30m phải có lắp đặt sẵn một số trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy bắt buộc. Các tòa nhà được xác định là chọc trời (skycrapper), máy bay trực thăng sẽ tham gia vào công việc cứu hỏa và cứu hộ.
Tích cực khai thác lực lượng tại chỗ
Bên cạnh lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, Nhật Bản rất chú trọng việc phát huy vai trò của người dân địa phương. Cùng với việc mở rộng quy mô của các đội phòng cháy chữa cháy tại địa phương, hệ thống cơ cấu phòng cháy chữa cháy Nhật Bản được đánh giá tổ chức tốt và hoạt động hiệu quả.
Khi đội cứu hộ chưa thể cứu tất cả nạn nhân cùng một lúc, rõ ràng người duy nhất có thể hỗ trợ hiệu quả các nạn nhân một cách nhanh nhất chính là những người đã sống, làm việc và hiểu rất rõ nơi mình sinh sống.
Lực lượng cứu hỏa tinh nhuệ
Nhật Bản không có quy định chi tiết về vấn đề thể lực của lính cứu hỏa, song để thực hiện các công việc nặng, có tính chính xác và cường độ cao của hoạt động cứu hỏa và cứu hộ (gồm phản ứng nhanh, leo trèo, đu dây, hỗ trợ nạn nhân… ) liên tục trong một khoảng thời gian dài với bộ trang phục phòng cháy chữa cháy trên người nặng tổng cộng 20kg (gồm giày, áo quần, mũ bảo hiểm…), đòi hỏi lính cứu hỏa phải có thể lực, sức bền tốt. Chính vì vậy, ngoài việc tham gia các buổi diễn tập định kỳ của đơn vị, lính cứu hỏa Nhật Bản đều có ý thức rất cao đối với việc tự luyện tập thể lực hàng ngày để gìn giữ thể lực và sức bền, bảo đảm hiệu suất hoạt động tốt nhất khi thực thi nhiệm vụ.