1. BỎNG DO BÓNG BAY BƠM KHÍ HIDRO

Đang điều trị tại khoa bỏng bệnh viện Xanh Pôn, anh D, 39 tuổi, ngụ ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết trưa 16/1, gia đình anh đi dự lễ cưới tại một nhà hàng. Khi về, các con và cháu anh Đức cầm theo chùm bóng bay trang trí tại đám cưới. Thấy bọn trẻ muốn chia bóng, anh Đức lấy bật lửa đốt đoạn dây buộc thắt nút thì cả chùm bóng gần 30 quả bất ngờ phát nổ. Do đứng gần chùm bóng, anh Đức và hai con 11 tuổi và 15 tuổi, cùng người cháu chín tuổi bị lửa bén vào quần áo, làm bỏng ở mặt, cổ, tai và hai bàn tay phải đi cấp cứu. Sau anh Đức một ngày, bệnh viện tiếp nhận ba trường hợp khác bị nạn khi đang chụp ảnh cưới với bóng bay. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trong lúc cô dâu tạo dáng với chùm bóng bay thì chùm bóng phát nổ khiến hai nhân viên chụp ảnh bỏng nặng, cô dâu bỏng nhẹ ở mặt, phải hoãn đám cưới. Những trường hợp kể trên đã cho chúng ta thấy bỏng do bóng bay bơm khí hidro không còn là sự cố hiếm gặp. Điều đáng lo ngại là bóng bay bơm khí hidro vẫn đang có mặt trong mọi buổi tiệc, là thứ đồ chơi quen thuộc của trẻ em mà không được sự kiểm soát của người lớn. 

2. NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN BỎNG BAY BƠM HIDRO CHÁY NỔ 

Khí hydro là loại khí dễ cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn lửa như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy cũng khiến nó phát nổ và lan tỏa nhiệt rất mạnh. Bởi vì khí hydro có cấu trúc phân tử rất bé, có thể dễ dàng thẩm thấu cực nhanh qua màng bóng bay, chỉ cần tiếp xúc với bóng đèn, hay gặp không khí nóng, khi đi ngoài trời nắng là có thể đủ điều kiện kích hoạt phản ứng, khiến một trái bóng có thể nổ tung.

Khí hydro bị nén trong bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh. Khoảng cách cầm bóng rất gần với tay và mặt, vì vậy khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay.

Ít ai biết thứ đồ chơi quen thuộc của con em mình lại có thể mang tới hiểm họa

3. LƯU Ý VỚI BÓNG BAY BƠM HIDRO - LỜI DẶN CỦA CHUYÊN GIA 

Các chuyên gia khuyến cáo cần thận trọng khi sử dụng loại bóng này để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Đặc biệt, khi cầm bóng tránh di chuyển đến nơi có sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột như tránh mang bóng từ ngoài trời vào trong phòng kín, không để bóng trong ô tô hoặc gần vật phát nhiệt như bếp, nến, đèn. Không dùng lửa để cắt dây buộc bóng ra khỏi chùm. Lưu ý, ngay cả khi các trái bóng cọ xát với nhau cũng có thể phát nổ.

Để đảm bảo an toàn, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ, các phụ huynh không cho trẻ chơi bóng bay bơm khí hidro ở trong nhà, nơi dễ tiếp xúc với các nguồn lửa để tránh cháy nổ, có thể nguy hiểm tới tính mạng.

"Bóng bay thường được bơm khí hydro (hoặc acetylene) là những chất khí rất dễ cháy. Khi bóng ở gần nguồn nhiệt sẽ tạo ra sự co giãn, tăng áp suất khí làm bể bóng, khí hydro thoát ra kết hợp với oxy gây cháy nổ, tạo sức ép khiến cả chùm bóng nổ theo, gây thương tích cho những người đứng gần. Nếu lúc bóng nổ, nạn nhân vô tình hít nhiều khí hydro, có thể sẽ bị lơ mơ, ói mửa, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong", bác sỹ Nguyễn Thống cảnh báo.